Chủ tịch UBND tỉnh thị sát một số dự án trên địa bàn thành phố Bắc Ninh

(BNP) – Chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, thị sát thực địa một số địa điểm lập quy hoạch dự án đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế dân sinh trên địa bàn thành phố Bắc Ninh.

img_0403pk

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh khảo sát mặt bằng đường trục từ TL 295B vào trung tâm phường Phong Khê.

Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh và lãnh đạo một số Sở, ngành, thành phố Bắc Ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh cùng các đồng chí trong đoàn trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công Trường Mầm non Vũ Ninh 2, Trạm Y tế phường Khúc Xuyên; khảo sát địa điểm xây dựng Trường Tiểu học Vũ Ninh 2, Trường THCS Vạn An, Trường Mầm non Phong Khê, nhà chứa quan họ làng Diềm (Viêm Xá, xã Hòa Long), quy hoạch đường trục từ TL 295B vào trung tâm phường Phong Khê, đường trục từ QL 38 vào trung tâm xã Kim Chân và phương án sử dụng trường THPT Chuyên Bắc Ninh cũ. Đây là những công trình phục vụ nhu cầu cấp thiết trong phát triển dịch vụ cũng như quá trình đô thị hóa của thành phố Bắc Ninh.

img_0390vn

Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát địa điểm xây dựng phòng học mới tại Trường Tiểu học Vũ Ninh 2.

Trên cơ sở ý kiến của các ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh đồng ý chủ trương và giao UBND thành phố làm chủ đầu tư khảo sát các địa điểm lập quy hoạch dự án đầu tư xây dựng các công trình trường học, trung tâm văn hóa, thể thao cấp phường, chợ và khu tập kết trung chuyển hàng hóa vận tải tại khu Khả Lễ. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện việc lập quy hoạch, UBND thành phố Bắc Ninh cần lựa chọn các đơn vị nhà thầu thi công đảm bảo có kinh nghiệm, năng lực đáp ứng đủ điều kiện về nguồn lực, tài chính để các dự án sớm triển khai, đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu thành phố Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng thực hiện trình tự các bước theo đúng quy định, sớm hoàn thiện chi tiết các dự án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét trong thời gian nhanh nhất.

S.T

Tiềm năng và định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 – 2020

Trong 5 năm qua (2010 – 2015), Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành và vượt hầu hết các mục tiêu chủ yếu do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, đứng thứ 2 toàn quốc về quy mô, là đầu tàu tăng trưởng kinh tế. Thu ngân sách Nhà nước tăng nhanh, bền vững, đảm bảo cân đối và có điều tiết về Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Văn hóa – xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, một số lĩnh vực nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, cải cách tư pháp đạt kết quả. Công tác quốc phòng được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững.

bacninh

Công tác xây dựng Đảng được coi trọng, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, vai trò người đứng đầu; phương thức lãnh đạo của đảng từng bước được đổi mới. Công tác vận động quần chúng của Đảng, chính quyền, hoạt động của mặt trân Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động.

Với những kết quả hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII, trong 5 năm tới, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh tiếp tục tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc; tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển dịch vụ, ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, giải quyết vấn đề môi trường; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực và các lĩnh vực văn hóa – xã hội… xây dựng nền tảng để phấn đấu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ 21 theo hướng văn minh, hiện đại.

I. Quan điểm phát triển

Phát huy cao nhất tiềm năng lợi thế của tỉnh là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh có vị trí quan trọng trong tổng thể nền kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển kinh tế theo hướng chất lượng, phát triển các ngành theo chiều sâu có sức cạnh tranh cao, bền vững. Tập trung đầu tư và thu hút các nguồn lực phát triển cho các ngành kinh tế có lợi thế của tỉnh gắn với chuỗi sản xuất hàng hóa, đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển kinh tế kết hợp với quan tâm nâng cao chất lượng của mọi mặt trong đời sống xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị của các di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch theo hướng hiệu quả và bền vững.

Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.

II. Các khâu đột phá

Phát huy lợi thế so sánh mới, biến lợi thế so sánh thành năng lực cạnh tranh, chuyển dịch và thu hút đầu tư công nghiệp theo hướng có chọn lọc bên cạnh việc đảm bảo ổn định cho các loại hình công nghiệp đã hình thành, tập trung thu hút các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin để sớm đưa Bắc Ninh lên nấc thang cao hơn của một nền công nghiệp theo hướng hiện đại; trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực phía Bắc.

Phát triển một số loại hình dịch vụ theo hướng liên kết mở – liên vùng, liên tỉnh nhằm phát huy lợi thế vị trí cửa ngõ Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, nằm trên hành lang Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội. Trong đó tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ gắn với công nghiệp đó là dịch vụ trung chuyển hàng hóa, dịch vụ đô thị, dịch vụ tài chính ngân hàng.

Phát triển đô thị lõi Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn trở thành đô thị hạt nhân có sức hút, mức độ tập trung cao, hệ thống hạ tầng hoàn thiện để thu hút các loại hình dịch vụ chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng khu nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, làng đại học, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng nhân tài làm việc và cống hiến tại địa phương.

III. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 và các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 (tầm nhìn dài hạn)

Phấn đấu xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển bền vững, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị lõi Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; chuyển từ phát huy lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động và phát huy lợi thế cạnh tranh trong điều kiện mới; hình thành trung tâm nghiên cứu triển khai (R&D), trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng để đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao phía Bắc, tạo bước chuyển biến về kinh tế dịch vụ, xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố khoa học, văn minh.

2. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát huy lợi thế so sánh, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, thực hiện phát triển bền vững; tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển dịch vụ; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; tạo chuyển biến về kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, giải quyết tốt vấn đề môi trường; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát huy nhân tố con người phù hợp với trình độ của giai đoạn phát triển mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền tảng để phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của Thế kỷ 21 theo hướng văn minh, hiện đại.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

* Về phát triển kinh tế:

– Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020: 10,5% – 11,5%; trong đó công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 11,3% – 12,6%, dịch vụ tăng 9,0% – 9,5%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,8%.

– Đến năm 2020, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,6%, công nghiệp và xây dựng 75,3%, dịch vụ 22,1%.

– GDP bình quân đầu người năm 2020: 9.000 USD (giá thực tế).

– Năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp: 1.110.000 tỷ đồng (Giá so sánh 2010).

– Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 32 tỷ USD; nhập khẩu đạt 26 tỷ USD.

– Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 là 363,4 nghìn tỷ đồng, bình quân hàng năm đạt 35%-40% GDP.

– Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 26.790 tỷ đồng, tăng bình quân 13,38%/năm; chi ngân sách địa phương đến năm 2020 đạt 14.731 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 2,53%/năm.

– Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020: 80 – 85%.

* Về phát triển xã hội:

– Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 1,74%.

– Tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn vào năm 2020: 80%-85%

– Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2020: 70%

– Giải quyết việc làm bình quân hàng năm: 27 nghìn lao động.

– Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, đến năm 2020 tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp chiếm 25% trong cơ cấu lao động.

– Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học, 100% các trường được kiên cố hoá; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống vật thể và phi vật thể; Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao.

– Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đến năm 2020: dưới 10%

– Tỷ lệ các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2018: 100%

– Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn: 2,5% (theo tiêu chí mới)

* Về bảo vệ môi trường:

– Môi trường được giữ vững, không còn tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề.

– Tỷ lệ dân số nông thôn và thành thị được sử dụng nước sạch năm 2020: 100%

– Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý: 100%

– Tỷ lệ chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý: 100%

– Bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và tôn tạo.

Giới thiệu chung về Bắc Ninh

Bắc Ninh là một tỉnh thuộc miền Bắc nước CHXHCN Việt Nam, là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bắc Ninh có các trục đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các Trung tâm kinh tế, văn hoá và thương mại của phía Bắc, Việt Nam:

Tai nguyen

 

– Đường Quốc lộ 1A
– Quốc lộ 1B mới
– Quốc lộ 18: Quốc lộ 18 sau khi cải tạo sẽ là đường giao thông rất thuận tiện đi sân bay Quốc tế Nội Bài và đi cảng biển nước sâu Cái Lân, Quảng Ninh.
– Quốc lộ 38, Tuyến đường sắt xuyên Việt đi Trung Quốc.

Bắc Ninh có đường sông thuận lợi nối với các vùng lân cận, như cảng biển Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn ở miền Bắc. Bắc Ninh có tiềm năng kinh tế và văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Miền đất Kinh Bắc xưa là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Kinh Dương Vương, Lý Bát Đế nơi hội tụ của kho tàng văn hoá dân gian. Nhiều công trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc với những làn điệu dân ca quan họ trữ tình đằm thắm, dòng nghệ thuật tạo hình, tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng với bạn bè trong và ngoài nước.

Thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang liên bộ lạc, Bắc Ninh ngày nay thuộc bộ Võ Ninh. Đời Hồng đức gọi là Kinh Bắc. Từ ngàn xưa, Kinh Bắc đã nổi tiếng là đất văn vật, quê hương của làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, của tranh dân gian Đông Hồ, nơi sản sinh ra nhiều bậc kỳ tài và cũng là điạ phương có nhiều địa danh gắn liền với chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách của dân tộc Việt Nam.

Trong những kỳ thi đình dưới các triều đại phong kiến, cả nước chọn được 47 trạng nguyên và 2991 tiến sẽ thì riêng Kinh Bắc đã có tới 17 trạng nguyên và 622 tiến sĩ.

Địa hình Bắc Ninh tương đối bằng phẳng. Tuy dốc từ bắc xuống nam và từ tây sang đông, nhưng độ dốc không lớn. Vùng đồng bằng chiếm gần hết diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có độ cao phổ biến 3 – 7m so với mặt biển. Do được bồi đắp bởi các sông lớn như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình nên vùng đồng bằng chủ yếu là đất phù sa màu mỡ. Vùng gò đồi trung du chỉ chiếm 0,5% diện tích tự nhiên và phần lớn là đồi núi thấp, cao nhất là núi Hàm Long 171m.

Bắc Ninh có diện tích tự nhiên chỉ chiếm 0,2% diện tích tự nhiên cả nước và là địa phương có diện tích tự nhiên nhỏ nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Theo kết quả tổng điều tra diện tích đất tự nhiên của Bắc Ninh, đến năm 2014, toàn tỉnh có 57,7% diện tích đất nông nghiệp; 41,6% diện tích đất phi nông nghiệp và 0,7% diện tích đất chưa sử dụng.

Năm 2015, dân số Bắc Ninh là 1.153.600 người, trong đó, nam 557.190 người chiếm 48,3% và nữ 575.041 người chiếm 51,7%; khu vực thành thị 318.516 người, chiếm 27,6% dân số toàn tỉnh và khu vực nông thôn 813.715 người, chiếm 72,4%. Mật độ dân số trung bình là 1.376 người/km2.

Theo sự sắp đặt hành chính hiện nay, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính bao gồm thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và 6 huyện là: Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành, Lương Tài và Gia Bình. Hiện Bắc Ninh có 126 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 97 xã, 23 phường và 6 thị trấn.

Về nguồn nhân lực, nguồn lao động của tỉnh Bắc Ninh tương đối trẻ với hơn 700.000 người đang trong độ tuổi lao động; lực lượng lao động đã qua đào tạo chiếm 20,4%, có khả năng tiếp cận nhanh chóng các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, có khả năng tham gia hợp tác lao động quốc tế, đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư khai thác lao động khi đến Bắc Ninh đầu tư. Đặc biệt, lao động trong tỉnh có yếu tố truyền thống, văn hiến, năng động trong sản xuất và kinh doanh do sự tác động của các làng nghề truyền thống lâu đời…

Đến nay, Bắc Ninh có 4 trường Đại học, 7 trường Cao đẳng, 9 trường Trung học chuyên nghiệp và Trung cấp kỹ thuật và trên 50 trường, trung tâm dạy nghề.

Tỉnh Bắc Ninh đã tận dụng tốt những lợi thế so sánh sẵn có về vị trí địa lý, nguồn lao động, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn có sự đổi mới, tư duy nhằm tạo ra những lợi thế so sánh động, tăng tính cạnh tranh trong thu hút FDI trong hình hình mới. Hiện Bắc Ninh được biết đến là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đứng thứ 7 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Hồng. Trên địa bàn tỉnh có 29 quốc gia đang đầu tư, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí số 1 với 72,5% tổng vốn đầu tư khu vực FDI.